Đẩy nhanh dự án cao tốc hơn 20.000 tỉ đồng nối TPHCM – Mộc Bài (Tây Ninh)
Dự án cao tốc TPHCM – Mộc Bài dài 51km, tổng mức đầu tư hơn 20.000 tỉ đồng đang được đẩy nhanh các thủ tục để sớm khởi công năm 2025, hoàn thành năm 2026 và khai thác từ năm 2027.
Năm 2024 sẽ giải phong mặt bằng, chọn nhà đầu tư
Theo ông Phan Công Bằng – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, thành phố đang đẩy nhanh hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cáo tốc TPHCM – Mộc Bài, dự kiến trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư trong tháng 11.
Dự án cao tốc TPHCM – Mộc Bài có tổng chiều dài khoảng 51km, quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe cao tốc, mặt cắt ngang 34,5m. Giai đoạn 1, quy mô 4 làn xe, mặt cắt ngang 25,5m với tổng mức đầu tư khoảng 20.103 tỉ đồng theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).
Hiện dự án cao tốc TPHCM – Mộc Bài đã được bổ sung vào danh mục công trình trọng điểm quốc gia ngành giao thông, tiến độ yêu cầu phải hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TPHCM (TCIP – chủ đầu tư), cho biết, sang năm 2024, TCIP sẽ tập trung cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và lựa chọn nhà đầu tư.
TPHCM sẽ phấn đấu khởi công dự án cao tốc TPHCM – Mộc Bài trước 30.4.2025. Sau đó, tập trung cho giai đoạn thi công, cố gắng thông xe toàn tuyến trong năm 2027, đồng bộ với tuyến cao tốc Phnom Penh – Bavet của Campuchia vừa được khởi công.
Theo ông Phúc, dự án cao tốc TPHCM – Mộc Bài sẽ được thực hiện bởi những cơ chế đặc thù, tương tự với dự án đường Vành đai 3 TPHCM. TCIP sẽ giải phóng mặt bằng ngay sau khi có chủ trương đầu tư. “Lúc này, điều chúng tôi mong mỏi lớn nhất là Trung ương sớm phê duyệt chủ trương đầu tư dự án để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo” – ông Phúc nói.
Hàng loạt vướng mắc cần gỡ vướng
Để đảm bảo tiến độ dự án, UBND TPHCM đã kiến nghị Bộ Quốc phòng sớm có văn bản thống nhất về phương án tổ chức thực hiện và đề xuất cơ chế vốn để xây dựng tường chắn sóng âm bảo vệ các kho của Cục Kỹ thuật, Quân khu 7, nằm ngoài ranh dự án.
Về nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cho dự án, trước đó, UBND TPHCM kiến nghị Trung ương hỗ trợ 2.900 tỉ đồng cho việc giải phóng mặt bằng. Sau đó, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã có báo cáo Thủ tướng xem xét, bố trí vốn.
Tuy nhiên, theo quy định phải chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc sử dụng vốn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022, trong đó, bố trí 2.900 tỉ đồng hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho dự án, dẫn đến kéo dài thời gian trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Để đảm bảo tiến độ và làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng xem xét, sớm phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong thời gian chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Cao tốc TPHCM – Mộc Bài sẽ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, Luật PPP không quy định rõ cấp thẩm quyền phê duyệt trong trường hợp dự án đi qua 2 địa bàn hành chính cấp tỉnh trở lên. Do đó, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận trong quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, giao Bộ trưởng Bộ GTVT là cơ quan phê duyệt dự án theo phương thức PPP, hợp đồng BOT.
Về kết nối cao tốc TPHCM – Mộc Bài và cao tốc Phnom Penh – Bavet (Campuchia), trong giai đoạn hiện nay, TPHCM và Tây Ninh thống nhất kết nối 2 tuyến cao tốc này qua cặp cửa khẩu hiện hữu.
Do đó, UBND TPHCM đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn 5km đường Xuyên Á (Quốc lộ 22) từ cửa khẩu Mộc Bài đến nút giao với cao tốc TPHCM – Mộc Bài lên 10 – 12 làn xe để đáp ứng yêu cầu vận chuyển, thông thương hàng hóa giữa 2 nước.
TPHCM cũng đề nghị Bộ GTVT, UBND tỉnh Tây Ninh tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông công chính Campuchia trong việc nghiên cứu, đề xuất quy hoạch tuyến kết nối, tính toán phương án và giai đoạn đầu tư phù hợp để kết nối trực tiếp giữa 2 cao tốc khi Quốc lộ 22 không còn đáp ứng nhu cầu.
Gần Đây